• Số 27 Cao Bá Quát, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh
  • 1900 1582
  • binhanaudit@gmail.com
Tiếng Việt
Chinese
Korean

Thành lập Công ty FDI trong khu chế xuất

Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu; được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Doanh nghiệp trong khu chế xuất được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong khu chế xuất không hề đơn giản.

Quy trình thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong khu chế xuất.

 Việc thành lập dự án đầu tư có vốn nước ngoài trong khu chế xuất sẽ khác so với thành lập dự án đầu tư có vốn nước ngoài thông thường là cần đăng ký chấp thuận chủ trương đầu tư và cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư. Về cơ bản, trình tự thành lập dự án đầu tư nước ngoài trong khu chế xuất gồm các bước như sau:

Bước 01: Đăng ký chấp thuận chủ trương đầu tư với Cơ quan có thẩm quyền.

Tuỳ vào tính chất, quy mô và các dự án khác nhau mà Quốc Hội, Thủ tướng chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Đa số, các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài xin chủ trương đầu tư hôm nay thuộc thẩm quyền của Cơ quan Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bước 2. Xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư

- Cơ quan cấp phép: Ban quản lý khu chế xuất.

- Thời gian thực hiện dự kiến: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

- Hồ sơ thực hiện:

+ Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư.

+ Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư.

+ Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.

+ Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.

+ Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

+ Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

+ Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

Bước 3. Thành lập doanh nghiệp

- Cơ quan cấp phép: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Thời gian thực hiện: 03 ngày làm việc.

- Hồ sơ thực hiện:

+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

+ Điều lệ công ty.

+ Danh sách thành viên (Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên), Danh sách cổ đông (Đối với công ty cổ phần).

+ Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn thành lập công ty.

+ Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư.

+ Bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật.

Bước 4. Mở tài khoản chuyển vốn đầu tư trực tiếp.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà đầu tư nước ngoài cần góp vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Do đó, ngay sau khi thành lập công ty nhà đầu tư cần tiến hành mở tài khoản chuyển vốn đầu tư trực tiếp.

Bước 5. Hoàn thành các thủ tục sau thành lập doanh nghiệp

Sau khi thành lập công ty nhà đầu tư tiến hành các thủ tục đăng ký mua chữ số, nộp thuế môn bài, kê khai thuế môn bài, phát hành hóa đơn, kê khai thuế,…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu nên còn cần xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất cũng như lắp đặt máy móc, thiết bị, chuẩn bị khu nhà cho công nhân viên…Doanh nghiệp chế xuất cần đáp ứng đủ các điều kiện quy định riêng biệt trong nghị định 82/2018 NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất.

Căn cứ pháp lý

- Luật đầu tư 2020 ngày 17 tháng 06 năm 2020.

- Nghị định 31/2021 hướng dẫn Luật đầu tư 2020.

- Nghị định 82/2018 NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất.