• Số 27 Cao Bá Quát, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh
  • 1900 1582
  • binhanaudit@gmail.com

Giáo viên công lập có được đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm theo Thông tư 29?

Giáo viên công lập có được đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm theo Thông tư 29?

Tại khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh

1. Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh theo quy định tại Chương này, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

...

Theo đó, đối với hình thức đăng ký hộ kinh doanh thì pháp luật hiện nay không cấm giáo viên dạy thêm thành lập hộ kinh doanh, tuy nhiên chủ hộ kinh doanh dạy thêm sẽ phải quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ phát sinh từ lớp dạy thêm ngoài nhà trường.

Căn cứ Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định các trường hợp bị cấm dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm:

- Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Như vậy, theo các quy định trên thì pháp luật không cấm giáo viên dạy thêm đăng ký hộ kinh doanh, nhưng đối với giáo viên thuộc các trường công lập thì sẽ không được đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm, mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường theo hợp đồng.

Mức phạt không đăng ký kinh doanh dạy thêm theo quy định hiện hành?

Trong trường hợp không đăng ký kinh doanh dạy thêm thì sẽ bị xử phạt như sau:

(1) Đối với trường hợp phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh nhưng không thực hiện đăng ký

Theo khoản 1 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh;

- Không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh;

- Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định;

- Không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.

Lưu ý: Mức phạt này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).

(2) Đối với trường hợp phải đăng ký thành lập công ty nhưng không thực hiện việc đăng ký

Trường hợp phải đăng ký thành lập công ty nhưng không thực hiện việc đăng ký thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

- Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký;

- Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.

Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

Lưu ý: Mức phạt này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cá nhân thì mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).

Như vậy, trong trường hợp giáo viên dạy thêm theo hình thức hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh thì sẽ bị phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng; đối với tổ chức, mức phạt là từ 10 - 20 triệu đồng.

Trường hợp dạy thêm theo hình thức doanh nghiệp nhưng không đăng ký thành lập doanh nghiệp thì mức phạt sẽ là từ 25 - 50 triệu đồng áp dụng đối với cá nhân; từ 50 - 100 triệu đồng đối với tổ chức.